Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Bệnh Wilson

BẠN BIẾT GÌ VỀ BỆNH WILSON


Bệnh Wilson (Wilson diseases) là một dạng sai sót bẩm sinh trong quá trình chuyển hóa đồng (Cu) trong cơ thể. Bệnh được mô tả lần đầu tiên năm 1912 bởi BS Samuel Alexander Kinnier Wilson. 

Bệnh này xảy ra ở tất cả các nhóm người và dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có tỉ lệ măc cao ở những nhóm người kết hôn cận huyết. Tần số mắc bệnh được ước tính là trong khoảng từ 1/30,000 đến 1/5,000, tần số mang alen đột biến là 1 trên 90.
Các triệu chứng thường gặp
Ở người bình thường, lượng đồng cần được hấp thụ mỗi ngày là khoảng 1 đến 2 mg, lượng này có thể được cung cấp đủ nhờ chế độ ăn phù hợp. Đồng trong thức ăn sẽ được hấp thụ qua các tế bào ruột và dự trữ nhờ các metallothioenin, sau đó lượng đồng này sẽ được đưa vào chu trình chuyển hóa nhờ một protein gọi là copper – transporting protein (ATP7B), protein này định vị trên màng các tế bào ruột. Protein này tham gia vào quá trình vận chuyển đồng từ gan đến các phần khác của cơ thể, thông qua việc tạo thành protein ceruloplasmin, đồng thời cũng đóng vai trò đào thải lượng đồng dư thừa ở gan vào dịch mật. 
Người mắc bệnh Wilson bị sai hỏng quá trình chuyển hóa và đào thải đồng, dẫn đến hậu quả là đồng sẽ tích tụ lại trong các tế bào gan, làm tổn thương đến chức năng ti thể, làm tăng lượng chất gây oxy hóa tế bào. Đến một lúc nào đó khi các tế bào gan bị quá tải và bị phá hủy thì sẽ làm tăng lượng đồng lưu thông trong máu, gây độc cho các cơ quan khác như não, thận và hồng cầu. 
Bệnh đặc trưng bởi sự tích tụ đồng trong các mô và cơ quan, đặc biệt là ở gan và não. Ngoài ra. người mắc bệnh còn có thể mắc một số triệu chứng sau:
•Suy thoái não (có các vùng thoái hóa trên thân não, đồi thị, tiểu não và màng não)
•Thiếu máu tan huyết.
•Có vòng Kayser-Fleisher màu vàng nâu ở xung quanh giác mạc.
Vòng Kayser-Fleisher màu vàng nâu ở mắt người mắc bệnh Wilson
Nguyên nhân và di truyền bệnh wilson
Bệnh Wilson do đột biến trong gene vận chuyển Cu – Copper transporting gene  ATP7B trên nhiễm sắc thể số 13 gây nên. Bệnh di truyền theo mô hình di truyền tính trạng lặn, người có cả 2 alen đột biến mới biểu hiện bệnh. 
Nếu cả bố và mẹ có mang alen đột biến thì xác suất con sinh ra mắc bệnh là 25%.
Chẩn đoán
Bệnh thường được chẩn đoán bằng một số phương pháp:
  • Xét nghiệm máu để phát hiện hàm lượng ceruloplasmin
  • Xét nghiệm nước tiểu để đo hàm lượng đồng
  • Kiểm tra mắt để tìm dấu hiệu vòng Kayser-Fleischer
  • Sinh thiết gan để xác định hàm lượng đồng (đây là xét nghiệm nhạy và chính xác nhất)
  • Chẩn đoán hình ảnh: các bệnh nhân mắc bệnh Wilson mà có dấu hiệu rối loạn thần kinh đều có hình ảnh bất thường khi chụp MRI như teo vỏ não, giãn não thất và một số bất thường khác
Điều trị
Bệnh Wilson nhất thiết phải được điều trị. Càng điều trị sớm thì người bệnh càng có cơ hội phòng chống được các tổn thương lâu dài cho não và gan.
Nguyên tắc chăm sóc và dinh dưỡng đối với bệnh nhân mắc bệnh Wilson là không nên cho bệnh nhân ăn những thức ăn có chứa nhiều chất đồng như: thịt bò, tôm, cua, các loài nhuyễn thể, các loại cá, các loại hạt đậu, nấm, socola …
Người bệnh thường được điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc như sau:
•Penicillamine hoặc trientine: là thuốc dùng để đào thải lượng đồng dư ra khỏi cơ thể. Loại thuốc này giúp lượng đồng dư này được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Liều lượng sử dụng có thể giảm dần sau khi đã loại bỏ được một lượng đồng tích tụ ban đầu ra khỏi cơ thể.
•Kẽm: có thể được chỉ định bổ sung trong một số trường hợp nhất định. Kẽm sẽ ngăn cản quá trình hấp thụ đồng từ thức ăn ở ruột. Do đó, nó không giúp loại bỏ lượng đồng dư nhưng sẽ giúp ngăn chặn quá trình hấp thu thêm đồng từ ngoài vào cơ thể. Bên cạnh đó, uống  hợp chất có chứa kẽm sẽ ít gây tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc ở trên.
Những bệnh nhân không đáp ứng thuốc hoặc các liệu pháp điều trị trên, hoặc được chẩn đoán muộn khi bệnh lý gan đã trở nên nghiêm trọng (xơ gan hoặc suy gan) thì có thể được chỉ định phẫu thuật ghép gan. 
CHÚ Ý: Các thông tin được cung cấp trong tài liệu này chỉ mang tính tham khảo. Tất cả các quyết đinh điều trị đều phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ lâm sàng.
Download  tài liệu này dưới dạng PDF
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.The Wilson Disease Mutation Database, Darren Bugbee, Lisa Davies, Susan Kenney, and D.W. Cox, eds.
2.Das, S.K., and Ray, K. (2006). Wilson's disease: an update. Nature clinical practice. Neurology 2, 482-493.
3.Gupta, A., Aikath, D., Neogi, R., Datta, S., Basu, K., Maity, B., Trivedi, R., Ray, J., Das, S.K., Gangopadhyay, P.K., and Ray, K. (2005). Molecular pathogenesis of Wilson disease: haplotype analysis, detection of prevalent mutations and genotype-phenotype correlation in Indian patients. Human genetics 118, 49-57.
4.Kim, E.K., Yoo, O.J., Song, K.Y., Yoo, H.W., Choi, S.Y., Cho, S.W., and Hahn, S.H. (1998). Identification of three novel mutations and a high frequency of the Arg778Leu mutation in Korean patients with Wilson disease. Human mutation 11, 275-278.
5.Loudianos, G., Dessi, V., Lovicu, M., Angius, A., Figus, A., Lilliu, F., De Virgiliis, S., Nurchi, A.M., Deplano, A., Moi, P., Pirastu, M., and Cao, A. (1999). Molecular characterization of wilson disease in the Sardinian population--evidence of a founder effect. Human mutation 14, 294-303.
6.Thomas, G.R., Forbes, J.R., Roberts, E.A., Walshe, J.M., and Cox, D.W. (1995). The Wilson disease gene: spectrum of mutations and their consequences. Nature genetics 9, 210-217.
7.Yang, X.L., Miura, N., Kawarada, Y., Terada, K., Petrukhin, K., Gilliam, T., and Sugiyama, T. (1997). Two forms of Wilson disease protein produced by alternative splicing are localized in distinct cellular compartments. The Biochemical journal 326 ( Pt 3), 897-902.

Nguồn: http://tuvanditruyen.vn

HC Down - Trisomy 21

HỘI CHỨNG DOWN - DẠNG BẤT THƯỜNG NHIỄM SẮC THỂ THƯỜNG GẶP NHẤT Ở TRẺ SƠ SINH


Hội chứng Down (còn gọi là trisomy 21) là một rối loạn di truyền xảy ra ở 1 trên 830 trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Down
Các gen nằm trên một bản sao thừa ra của nhiễm sắc thể số 21 là nguyên nhân gây ra các đặc điểm của hội chứng Down. Thông thường, mỗi tế bào của người có 23 cặp nhiễm sắc thể khác nhau, mỗi nhiễm sắc thể lại mang các gen cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể.
  • Có 3 NST số 21 ở tất cả các tế bào trong cơ thể. Do người bị bệnh Down có 3 nhiễm sắc thể số 21, nên hội chứng Down cũng thường được gọi là Trisomy 21
  • Có thêm một vài gen của NST số 21 gắn trên các nhiễm sắc thể khác (thường là nhiễm sắc thế 14). Điều này xảy ra do hiện tượng chuyển đoạn nhiễm sắc thể.
  • Có thêm một bản sao của một số gen thuộc nhiễm sắc thể 21, nhưng lại không phải ở tất cả các tế bào của cơ thể. Trường hợp này được gọi là hội chứng Down dạng khảm. Người bệnh ở dạng này thường không có các đặc điểm điển hình của Down và không bị ảnh hưởng nghiêm trọng về trí tuệ, trong một số trường hợp còn không được phát hiện.
Người mẹ khi mang thai mà càng cao tuổi thì con sinh ra sẽ càng có nguy cơ mắc bệnh Down. Người đã từng mang thai con bị bệnh Down sẽ có nguy cơ mang thai các lần sau con cũng bị Down tăng khoảng 1%. 
Tuổi mẹ
Nguy cơ mắc bệnh Down tương ứng với tuổi mẹ
25
1/1,352
30
1/895
35
1/356
40
1/97
45
1/23
Bệnh Down có phải do di truyền không?
Hầu hết các ca mắc hội chứng Down do Trisomy 21 và Trisomy 21 dạng khảm là không do di truyền mà do phát sinh ngẫu nhiên trong quá trình giảm phân và thụ tinh. Người mắc hội chứng Down do chuyển đoạn có thể được di truyền NST bất thường từ bố hoặc mẹ bình thường. 
Dấu hiệu và triệu chứng của người mắc hội chứng Down
  • Có các đặc điểm hình dạng đặc trưng: mặt dẹt, hai mắt cách xa nhau mắt xếch và có nếp gấp mí, tai nhỏ, lưỡi dầy và dài, miệng hơi há ra.
  • Có biểu hiện chậm phát triển nhận thức, khuyết tật trí tuệ từ nhẹ đến trung bình. Có thể chậm phát triển ngôn ngữ; khả năng chú ý kém, bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, cứng đầu và hay nổi cáu; hoặc mắc rối loạn phổ tự kỉ.
  • Mắc nhiều loại khuyết tật bẩm sinh khác nhau: dị tật tim bẩm sinh (khoảng một nửa số bệnh nhân; các bất thường về hệ tiêu hóa (ví dụ như tắc ruột)
  • Có nguy cơ cao mắc một số bệnh như: trào ngược dạ dày – thực quản; thiểu sản tuyến giáp; gặp vấn đề về thính lực và thị lực; một số ít mắc ung thư máu.
  • Có hiện tượng suy thoái về suy nghĩ và nhận thức khi về già. Hội chứng Down cũng đi kèm với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer – một rối loạn não gây ra giảm trí nhớ, khả năng đánh giá và khả năng thực hiện các chức năng.
Chẩn đoán hội chứng Down
Ở trẻ sơ sinh: Hội chứng Down có thể được phát hiện từ khi trẻ mới sinh ra dựa vào các đặc điểm hình dạng đặc trưng, tuy nhiên cần phải thực hiện một xét nghiệm di truyền goi là Karyotype để chẩn đoán xác nhận lại.
Ở giai đoạn trước sinh (mang thai)
  • Xét nghiệm máu Double Test (thực hiện ở thời điểm 11-13 tuần) và Triple Test (thực hiện ở thời điểm 15 – 20 tuần) là các xét nghiệm sàng lọc thường được sử dụng kết hợp với siêu âm để ước tính nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down. Các xét nghiệm trên có dương tính giả và âm tính giả cao; nên nếu có kết quả nguy cơ cao thì cần phải chẩn đoán bằng chọc ối; đồng thời không phát hiện được nhiều trường hợp thai nhi mắc bệnh Down.
  • Các phương pháp trước sinh sử dụng để chẩn đoạn hội chứng Down gồm sinh thiết gai nhau (CVS: tuần 10 – 12), chọc ối (tuần 15 – 20) và lấy máu dây rốn thai nhi (PUBS, sau tuần 20). Các phương pháp này tiềm ẩn khả năng gây sảy thai và phát sinh các biến chứng khác ở thai phụ và thai nhi.  Độ chính xác của các xét nghiệm này lên đến 98 –99%.
  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT) chỉ sử dụng mẫu máu của thai phụ để phân tích các phân tử DNA thai nhi tự do lưu thông trong máu mẹ, sẽ cho kết quả chính xác đến 99% và an toàn hơn so với các phương pháp xâm lấn truyền thống. Các phương pháp NIPT thường được thực hiện sớm hơn, từ thời điểm thai được 9 – 10 tuần tuổi.
Điều trị
Mặc dù không có cách nào để chữa khỏi hội chứng Down, trẻ mắc hội chứng này vẫn có thể có cuộc sống tích cực. Tương tự như tất cả các trẻ khác, trẻ mắc hội chứng Down vẫn học được các kỹ năng cơ bản (như ngồi, đi lại, nói và chăm sóc cá nhân), nhưng với tốc độ chậm hơn. Các chương trình can thiệp sớm, gồm cả vật lý trị liệu, nếu được bắt đầu sớm sau khi trẻ sinh ra có thể hỗ trợ làm các cơ khỏe hơn để thực hiện các kỹ năng vận động cơ bản.
Trẻ mắc hội chứng Down cần phải được chăm sóc y tế định kỳ để điều trị các vấn đề sức khỏe mãn tính liên quan. Những trẻ này cần phải được kiểm tra thị lực và thính lực định kỳ, đánh giá chức năng tuyến giáp và tiêm chủng định kỳ.
Trẻ em mắc hội chứng Down có thể đến trường và tham gia vào các lớp học, có khả năng tham gia các hoạt động xã hội sáng tạo và hướng nghiệp trong cộng đồng.
CHÚ Ý: Các thông tin được cung cấp trong tài liệu này chỉ mang tính tham khảo. Tất cả các quyết đinh điều trị đều phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ lâm sàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Genetics Home Reference: http://ghr.nlm.nih.gov/condition/down-syndrome
2.WebMD: http://www.webmd.com/children/understanding-down-syndrome-treatment
3. Snijders RJ. et al.,(1999). Maternal age- and gestation risk for trisomy 21. Ultrasound Obstet Gynecol 13(3):167-70.

Nguồn: http://tuvanditruyen.vn

HC Edwards - Trisomy 18

TRISOMY 18 - HỘI CHỨNG XẢY RA Ở 1 TRÊN 5000 TRẺ SƠ SINH


Trisomy 18, hay còn gọi là hội chứng Edwards là một rối loạn di truyền nhiễm sắc thể đi kèm với dị tật ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Người mắc hội chứng này thường chậm lớn sau khi sinh, nhẹ cân, có dị tật tim bẩm sinh và bất thường ở các cơ quan khác sau khi sinh, kèm theo hàng loạt các dị tật đặc trưng khác. Hội chứng này xảy ra ở 1/ 5000 trẻ sơ sinh. Tỷ lệ mắc phải ở giai đoạn trước sinh cao hơn, tuy nhiên nhiều bào thai mắc hội chứng này chết trước khi được sinh ra. Số bé gái mắc hội chứng này cao gấp 3 lần bé trai.

Dấu hiệu và triệu chứng
Do mắc phải các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bệnh nhân mắc hội chứng Edwards thường tử vong trước khi được sinh ra hoặc trong tháng đầu tiên sau sinh. 5 – 10% trẻ mắc hội chứng này sống qua 5 tuổi, nhưng sẽ bị khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng.
Hội chứng Edwards thường có một số dấu hiệu và triệu chứng như sau:
  • Thai đa ối do bất thường về khả năng nuốt và nút của thai, hoặc thiểu ối do bất thường ở thận, thai chậm phát triển trong tử cung, cử động thai yếu hoặc suy thai.
  • Trẻ sinh ra thường nhỏ và yếu, chậm lớn và chậm phát triển.
  • Các bất thường về đầu mặt như đầu nhỏ hoặc có dạng hình trái dâu, cằm nhỏ, tai đóng thấp, nang đám rối mạng mạch ở não; chẻ vòm họng / hở hàm ếch. Tai thấp, đầu nhỏ và hàm dưới nhỏ. Trẻ sơ sinh thường khóc yếu.
  • Bàn tay co quắp, các ngón tay chồng lên nhau, khó duỗi thẳng; thiểu sản móng tay. Bàn chân dị dạng, có hình giống chân ghế bập bênh.
  • Cột sống bị chẻ đôi và thoát vị tủy sống ra ngoài.
  • Dị tật phổi, thận và dạ dày/ hệ tiêu hóa. Khó cho ăn.
  • Dị tật tim (thông liên nhĩ hoặc thông liên thất), xương ức ngắn.
  • Chậm phát triển trí tuệ.
Một số hình ảnh về đặc điểm ngoại hình của trẻ mắc hội chứng Edwards
Nguyên nhân gây ra hội chứng Edwards
Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Edwards là do có ba nhiễm sắc thể (NST) số 18 ở tất cả các tế bào trong cơ thể thay vì 2 NST số 18 như bình thường. Vật chất di truyền thừa sẽ làm gián đoạn các quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể, gây ra các đặc trưng của hội chứng này. 
Khoảng 5% số người mắc hội chứng này chỉ có 3 NST số 18 ở một vài tế bào của cơ thể, gọi là hội chứng Trisomy 18 dạng khảm. Mức độ nghiêm trọng của bệnh lúc này phụ thuộc và số lượng và loại tế bào bị thừa NST mà có thể ở thể nhẹ cho đến nặng.
Trong một số rất hiếm các trường hợp, một phần của vai dài NST số 18 gắn vào một NST khác trong quá trình phát sinh giao tử (trứng và tinh trùng) hoặc ở giai đoạn phôi sớm. Người mắc hội chứng lúc này sẽ có 2 NST số 18 và một phần NST số 18 gắn vào một NST khác, đây gọi là hội chứng Trisomy 18 một phần. Tùy theo độ dài của đoạn NST 18 được gắn trên NST khác mà bệnh nhân biểu hiện triệu chứng từ nhẹ đến nặng.
Người mẹ khi mang thai mà càng cao tuổi thì con sinh ra sẽ càng có nguy cơ mắc hội chứng Edwards.
Hội chứng Edwards có phải do di truyền không?
Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng Edwards xảy ra do sự phát sinh ngẫu nhiên trong quá trình hình thành giao tử và thụ tinh, cụ thể là do các NST không phân li trong quá trình phân chia tế bào. Dạng khảm của hội chứng này cũng không do di truyền mà do xảy ra ngẫu nhiên trong giai đoạn phôi sớm.
Mặt khác, hội chứng Trisomy 18 một phần có thể xảy ra do di truyền. Một người không mắc bệnh có thể có hiện tượng chuyển đoạn giữa NST 18 và một NST khác, đây gọi là hiện tượng chuyển đoạn cân bằng, vì vật chất di truyền không bị thêm hay mất đi. Mặc dù không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của hội chứng Edwards nhưng người này có nguy cơ cao sinh ra con mắc hội chứng này.
Chẩn đoán
Ở giai đoạn trước sinh, có thể phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Edwards nhờ một số biện pháp sàng lọc như siêu âm (dấu hiệu tử cung lớn, dịch ối nhiều bất thường) hoặc Triple Test (phân tích hàm lượng protein AFP trong máu thai phụ ở tuần 15-20). Các biện pháp này có độ chính xác thấp, dương tính giả và âm tính giả cao nên chỉ là các biện pháp sàng lọc, cho biết nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Edwards.
Phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn dựa trên phân tích các DNA thai nhi tự do trong máu mẹ, có độ chính xác cao (lên đến hơn 99%) và an toàn cho thai phụ và thai nhi.
Hội chứng Edwards có thể được chẩn đoán dựa trên phương pháp phân tích kiểu nhân (karyotype) của tế bào,kỹ thuật lai miễn dịch huỳnh quang tại chỗ (FISH), QF-PCR.
Các chẩn đoán có thể được chỉ định trong giai đoạn mang thai để phát hiện nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Edwards; đặc biệt là trong trường hợp người mẹ có kết quả sàng lọc nguy cơ cao; hoặc đã có một đứa con mắc hội chứng này và đang mang thai đứa con sau.
Trẻ sơ sinh cũng có thể được chỉ định xét nghiệm chẩn đoán hội chứng Edwards nếu có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh.
Điều trị
Y học hiện nay chưa tìm ra cách chữa khỏi hội chứng Edwards. Việc điều trị hiện nay được chỉ định tùy theo từng trường hợp để điều trị các triệu chứng của bệnh, bao gồm:
Phẫu thuật khắc phục các vấn đề liên quan, đặc biệt là các bất thường về ngoại hình (ví dụ hở hàm ếch) hoặc khắc phục các dị tật tim.
Chăm sóc sức khỏe thường xuyên để bệnh nhân có cuộc sống dễ chịu nhất có thể: sử dụng các loại thuốc điều trị đường tiêu hóa, thận, …; Các liệu pháp điều trị và can thiệp để bệnh nhân có thể đạt được các mốc phát triển trong cuộc đời (nói, đi lại, học cách sử dụng đồ vật và chăm sóc cá nhân); học được cách giao tiếp và hòa nhập xã hội.
CHÚ Ý: Các thông tin được cung cấp trong tài liệu này chỉ mang tính tham khảo. Tất cả các quyết đinh điều trị đều phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ lâm sàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. http://ghr.nlm.nih.gov/condition/trisomy-18
  2. http://emedicine.medscape.com/article/943463-treatment
  3. http://www.disabled-world.com/disability/types/edwards-syndrome.php
  4. Petek E, Pertl B, Tschernigg M, Bauer M, Mayr J, Wagner K, Kroisel PM (2002). Characterisation of a 19-year-old" long-term survivor" with Edwards syndrome. Genetic Counseling 14(2):239-244
  5. Snijders et al.(1995). Maternal age and gestational age specific risk for chromosomal defects. Fetal Diagn Ther 10(6):356-67.

Nguồn: http://tuvanditruyen.vn

10 bức hình ấn tượng

TOP 10 BỨC ẢNH ẤN TƯỢNG VÀ XÚC ĐỘNG NHẤT CỦA EM BÉ TRONG BỤNG MẸ


Cuộc sống của bạn bắt đầu từ trong bụng mẹ. Và bạn sẽ không tin vào mắt mình khi nhìn thấy những bức ảnh tuyệt vời này về sự phát triển của con người trước khi được sinh ra.

1. Ở thời điểm chỉ 4 ngày sau khi thụ tinh
Đây là hình ảnh của hợp tử ở giai đoạn 4 ngày sau khi trứng được thụ tinh. Trên thực tế, kể từ khi được thụ tinh, hợp tử đã được xác định giới tính và mang một bộ DNA riêng của mình. Những phân tử DNA này mang các thông tin di truyền quy định sự phát triển của hợp tử trong 9 tháng sau đó (và tất nhiên là trong suốt cuộc đời!). 
2. Ở thời điểm thai 5-6 tuần tuổi…
Mặc dù lúc này chỉ dài khoảng ¼ inch nhưng em bé đã hình thành mũi, miệng và tai rồi đấy! Và tim của em bé đã đập khoảng 100 nhịp một phút (gần gấp đôi so với nhịp tim của mẹ) và máu đã bắt đầu lưu thông khắp cơ thể. Và các bác sĩ đã có thể đo được các sóng não của em bé từ thời điểm 2 – 3 tuần thai!
3. Ở thời điểm thai 7 tuần tuổi …
4. Ở thời điểm thai khoảng 10 tuần tuổi …
Hầu hết các chức năng của cơ thể đều đã hoạt động: thận, ruột, não và gan… Những cánh tay và chân nhỏ xíu của bé có thể bắt đầu cử động linh hoạt. Ở Mỹ, hầu hết các ca đình chỉ thai được thực hiện ở giai đoạn này. Nếu em bé này may mắn, mẹ của bé sẽ yêu bé đủ để sinh bé ra đời.
5. Ở thời điểm 12 tuần tuổi …
Các cơ bắp của em bé bắt đầu phát triển, vì thế em bé bận bịu cả ngày với việc co duỗi và đá chân! Nếu lúc này mẹ đặt tay lên bụng thì có thể bé sẽ đáp ứng lại đấy vì phản xạ của bé cũng đã bắt đầu phát triển, mặc dù mẹ chưa thể cảm nhận được điều đó.
6. Ở thời điểm thai 16 tuần tuổi …
Ở tuần thứ 16 này, em bé phát triển rất mạnh mẽ. Em bé nhanh chóng mọc những lọn tóc trên đầu và cả móng chân nữa. Mỗi ngày, trái tim bé xíu của bé có thể bơm hơn 23 lít máu đi khắp cơ thể.
7. Bé ngậm ngón tay cái vào thời điểm 18 – 20 tuần thai…
Ngay thời điểm này, em bé đã có dấu vân tay đặc trưng của mình.
8. Ở thời điểm thai được 6 tháng tuổi …
Em bé đã có thể phản ứng lại với những âm thanh của thế giới bên ngoài bằng cách cử động. Và lúc này mẹ cũng có thể có cảm giác kỳ lạ khi em bé bị nấc!
9. Ở thời điểm thai 6-7 tháng …
10. Ở thời điểm thai 8 tháng tuổi …
Em bé có thể nghe thấy và nhận ra giọng của mẹ. Em bé đã có vẻ ngoài hồng hào, mũm mĩm và đáng yêu như khi ra đời. Lúc này, lượng mỡ dư của em bé rất quan trọng, nó sẽ giúp em bé điều hòa thân nhiệt sau khi ra đời.
Dịch từ http://www.buzzfeed.com

Sàng lọc trước sinh không xâm lấm

SÀNG LỌC TRƯỚC SINH KHÔNG XÂM LẤN VÀ XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC KẾT HỢP Ở QUÝ I: LỰA CHỌN CÁCH NÀO?


Kể từ khi xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT) lần đầu tiên được thương mại hóa vào năm 2011, các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về việc phương pháp sàng lọc bất thường số lượng NST thai nhi nào là tốt nhất cho thai phụ.

Xét nghiệm sàng lọc kết hợp Quý I gồm siêu âm đo độ mờ da gáy kết hợp với đo nồng độ protein PPAP-A và β-HCG tự do trong huyết thanh của thai phụ, có thể phát hiện hội chứng Down (Trisomy 21) với độ nhạy lên đến 85% và tỉ lệ dương tính giả 3 – 6%. Việc phân tích thêm các yếu tố chỉ thị trong huyết thanh trong Quý II sẽ nâng độ nhạy lên đến 85-90%, giảm tỉ lệ dương tính giả xuống còn 2%.
Trong khi đó, NIPT là phương pháp sàng lọc có tính ưu việt rõ ràng đối với hội chứng Down. Hàng loạt nghiên cứu thống kê đã chỉ ra rằng phương pháp này có độ nhạy từ 99-100%, tỉ lệ dương tính giả chưa đến 1%. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét một số khía cạnh trước khi phủ nhận hoàn toàn những lợi ích của xét nghiệm sàng lọc kết hợp Quý I.
Thứ nhất, hiệu quả sàng lọc của NIPT đối với hội chứng Edwards (Trisomy 18) và hội chứng Patau (Trisomy 13) chưa được chứng minh là ngang bằng so với hiệu quả của xét nghiệm này đối với hội chứng Down: độ nhạy của xét nghiệm đối với các hội chứng này thấp hơn, và đối với các trường hợp thể khảm (không phải tất cả các tế bào của thai nhi đều có bộ NST bât thường) thì tỉ lệ dương tính giả có xu hướng cao hơn so với xét nghiệm hội chứng Down.
Thứ hai, NIPT không sàng lọc các dị tật về cấu trúc và các dạng bất thường NST khác. Trong một thử nghiệm có tên gọi là FASTER, 78% các trường hợp có bất thường NST khác (ngoài hội chứng Down) được phát hiện nhờ xét nghiệm sàng lọc kết hợp Quý I.  Trong nghiên cứu của Nicholaides, khi so sánh kết quả sàng lọc bởi các Xét nghiệm sàng lọc kết hợp quý I với kết quả của NIPT ở nhóm quần thể người tiến hành sàng lọc thường quy trong quý I, khoảng 50% trường hợp bất thường NST được phát hiện không phải là trisomy 21 hoặc 18. Có 7 trường hợp thai nhi mắc các dạng bất thường trên được phát hiện bởi Xét nghiệm sàng lọc kết hợp quý I nhưng NIPT lại không phát hiện được cả 7 trường hợp này.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 25% số trường hợp dị tật cấu trúc tim bẩm sinh có liên quan đến kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy bất thường; đây cũng có thể xem là một ưu điểm khác của các phương pháp sàng lọc kết hợp truyền thống.
Cuối cùng, cần phải đặt ra câu hỏi rằng: Liệu những ưu điểm như tỉ lệ dương tính giả thấp (về mặt lý thuyết sẽ giúp tiết kiệm được chi phí cho những xét nghiệm khác) và giúp giảm số trường hợp phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán xâm lấn có thực sự bù đắp được việc các thai phụ phải trả một khoản chi phí lớn hơn cho NIPT so với các phương pháp truyền thống?
Do đó, chiến lược sàng lọc tối ưu vẫn chưa thực sự rõ ràng. Khuyến cáo của drCohenOb.com về các biện pháp sàng lọc trước sinh đối với các nhóm thai phụ như sau:
1) Nếu thai phụ ít hơn 35 tuổi, khi mà nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down tương đối thấp: tiếp tục sử dụng Xét nghiệm sàng lọc kết hợp Quý I. Ở độ tuổi này, do tần số mắc phải Trisomy 21 và Trisomy 18 tương đối thấp hơn một số dạng bất thường nhiễm sắc thể khác nên các dạng bất thường này thường đáng lo ngại hơn. Hiện nay do chưa có dữ liệu nào chứng tỏ rằng NIPT đem lại hiệu quả về chi phí đối với nhóm nguy cơ thấp, chúng ta không có lý do gì để bỏ qua Xét nghiệm sàng lọc kết hợp Quý I.
2) Ở các thai phụ lớn hơn 35 tuổi hoặc những người có nguy cơ cao sinh con mắc hội chứng Down: thực hiện NIPT. Ở những bệnh nhân này, hội chứng Down là mối lo ngại lớn nhất, do đó cần thực hiện xét nghiệm chính xác nhất để phát hiện hội chứng này. NIPT giúp giảm tỉ lệ dương tính giả và giảm số trường hợp phải thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xâm lấn ở nhóm thai phụ nguy cơ cao, từ đó giúp giảm đáng kể tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong của thai nhi, và cũng có thể giúp giảm các chi phí nói chung.
3) Tất cả các thai phụ đều nên thực hiện siêu âm để đo độ mờ da gáy và đánh giá các chỉ số của thai nhi, đây là phương pháp chi phí thấp, an toàn và có khả năng phát hiện một số dị tật khác. 
Rất nhiều câu hỏi còn cần phải được giải đáp để có thể xây dựng một phương pháp sàng lọc bất thường số lượng NST trước sinh ở Quý I thực sự hợp lý. Hãy tiếp tục theo dõi để cập nhật các thông tin khoa học chính xác để có thể đưa ra những lựa chọn và quyết định phù hợp nhất. 
Nguồn: http://tuvanditruyen.vn

HC Digeorge

MẤT ĐOẠN 22Q11.2 - HỘI CHỨNG DIGEORGE


Hội chứng DiGeorge, hay còn gọi là hội chứng mất đoạn NST 22q11.2 (dựa trên nguyên nhân di truyền của bệnh), hoặc hội chứng Shprintzen.

Hội chứng DiGeorge là gì?
Hội chứng DiGeorge là hội chứng do vi mất đoạn trên NST thường gặp nhất với tỉ lệ ước tính là 1/4000 -1/6000 trẻ sinh sống. Hội chứng này được tìm thấy với tỉ lệ 1/68 ở những trẻ dị tật bẩm sinh và khoảng 2,4 % những trường hợp chậm phát triển tâm thần trí tuệ.
Bệnh thường liên quan đến  suy giảm miễn dịch tiên phát, trong phần lớn các trường hợp là do sự thiếu hụt hoặc hoạt động một cách khiếm khuyết của tế bào T. Ngoài các vấn đề về miễn dịch, hội chứng này có thể bao gồm cả thiểu sản tuyến cận giáp, tật tim bẩm sinh, khuyết tật mặt, thính giác và trí tuệ. 
Đặc điểm lâm sàng
Hội chứng Digeorge có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến nhiều phần và bộ phận khác nhau của cơ thể, các nghiên cứu đã liệt kê được hơn 180 triệu chứng. Một bệnh nhân mang hội chứng Digeorge có thể biểu hiện những đặc điểm lâm sàng này mà không biểu hiện đặc điểm khác.
Nói chung, các nghiên cứu đã thống kê được 5 dấu hiệu thường gặp của hội chứng DiGeorge:
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Đặc điểm khuôn mặt đặc trưng (tai thấp, mắt rộng, hàm nhỏ, có rãnh hẹp ở môi trên) 
  • Tật hở vòm miệng/họng (hở hàm ếch)
  • Nồng độ canxi huyết thấp (gây động kinh) do thiểu sản tuyến cận giáp
  • Thường nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch, hoặc mắc bệnh tự miễn (bệnh Basedow, viêm khớp mãn tính…)
Bệnh nhân cũng có thể có gặp các vấn đề về hô hấp, bất thường về thận, giảm tiểu cầu, vấn đề về dạ dày – ruột, mất thính lực. Ngoài ra, người bệnh có thể bị thấp lùn và hiếm gặp hơn là dị tật xương sống. Nhiều trẻ mắc hội chứng này bị chậm phát triển, đặc biệt là chậm sinh trưởng, chậm nói, khuyết tật học tập. Những người này cũng bị nguy cơ cao mắc các bệnh tâm thần về sau này như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo lắng và rối loạn lưỡng cực, hoặc mắc hội chứng tăng động – giảm chú ý (ADHD) và các vấn đề về rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ có thể ảnh hưởng đến giao tiếp và tương tác xã hội.
Nguyên nhân
Khoảng 90% bệnh nhân mắc hội chứng DiGeorge mang đột biến mất đoạn nhỏ ở cánh dài của nhiễm sắc thể 22 (22q11.2). Sự mất đi khoảng 30 gen tại vùng này được cho là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và phát triển bất thường của một số mô trong quá trình phát triển phôi, từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 10 trong thai kỳ, khi mà tuyến cận giáp, tuyến ức, môi, tai và cung động mạch chủ đang được hình thành.
Hội chứng DiGeorge có di truyền không?
Hội chứng này di truyền theo cơ chế di truyền trội trên nhiễm sắc thẻ thường, vì chỉ cần mất đoạn xảy ra ở một trong hai chiếc NST của cặp NST 22 ở mỗi tế bào là đủ để gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mắc hội chứng này là do phát sinh ngẫu nhiên trong quá trình hình thành tế bào sinh sản (trứng hoặc tinh trùng), hoặc trong quá trình phát sinh phôi sớm. Người mắc hội chứng này thường có gia đình bình thường, không có ai mắc bệnh nhưng chính họ lại có thể di truyền hội chứng này cho con cái. Trong 10% số trường hợp mắc hội chứng là do thừa hưởng một NST số 22 bị mất đoạn từ bố hoặc mẹ. 
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán hội chứng DiGeorge được dựa trên các vấn đề về sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, hình ảnh siêu âm đối với trường hợp trước sinh; cùng với đó là xét nghiệm di truyền để phát hiện mất đoạn trên NST 22 (MLPA, FISH, microarray hoặc giải trình tự thế hệ mới). Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm trong trường hợp bệnh nhân gặp các vấn đề sức khỏe hoặc bệnh tương tự như trong hội chứng DiGeorge, đặc biệt là dị tật tim.
Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, việc xét nghiệm, chẩn đoán sớm trẻ mang đột biến là yếu tố cực kì quan trọng; giúp cha mẹ chuẩn bị kiến thức, tâm lý; khắc phục kịp thời các khuyết tật, giảm thiểu nguy hiểm và tăng cường chất lượng sống sau này của trẻ:
  • Chẩn đoán xâm lấn: Sinh thiết gai nhau (tuần 10-12), chọc dò dịch ối (tuần 15-20) hoặc lấy máu dây rốn thai nhi (sau tuần 20) là các phương pháp thu mẫu để tiến hành các xét nghiệm di truyền trong giai đoạn mang thai.
  • Xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT): một số xét nghiệm trước sinh không xâm lấn có thể giúp phát hiện đột biến mất đoạn 22q11.2 ở DNA thai nhi tự do lưu thông trong máu mẹ với độ chính xác cao dựa trên giải trình tự thế hệ mới và các thuật toán phân tích so sánh. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ được coi là xét nghiệm sàng lọc.
Xét nghiệm di truyền hội chứng DiGeorge cũng được sử dụng trong chẩn đoán di truyền trước làm tổ. Đây là kỹ thuật được thực hiện nhằm mục đích tầm soát đột biến của phôi trước khi chuyển vào buồng tử cung của bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm.
Điều trị
Mặc dù không thể chữa khỏi được hội chứng DiGeorge, các bác sĩ có thể điều trị các triệu chứng mắc phải:
  • Thiểu sản tuyến cận giáp: có thể được can thiệp bằng cách bổ sung thêm Canxi và Vitamin D.
  • Trẻ gặp vấn đề về chức năng của tuyến ức thể nhẹ hoặc trung bình có thể sẽ hay bị nhiễm trùng, ví dụ như bị cảm hoặc nhiễm trùng tai. Các trẻ mắc bệnh này được điều trị tương tự như ở các trẻ khác và tiêm chủng theo trình tự thông thường. Chức năng của hệ miễn dịch có thể được cải thiện dần khi trẻ lớn lên.
  • Nếu các sai hỏng ở tuyến ức xảy ra ở mức độ nặng hoặc không có tuyến ức, trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải một số dạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Khi đó, cần phải điều trị bằng cách cấy ghép mô tuyến ức, đặc biệt là tế bào tủy xương hoặc các tế bào máu chuyên hóa để chống lại bệnh tật.
  • Chẻ vòm hầu/ họng: Các đặc điểm bất thường này có thể được khắc phục nhờ phẫu thuật.
  • Dị tật tim: Hầu hết các dị tật tim liên quan đến hội chứng DiGeorge đòi hỏi phải được phẫu thuật để chỉnh lại cấu trúc tim và tăng lượng máu giàu oxi cho cơ thể.
Các vấn đề về phát triển của cơ thể: có thể được can thiệp bằng một số liệu pháp về ngôn ngữ, nghề nghiệp và phát triển. Trong trường hợp mà trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm, tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn về sức khỏe tâm thần và hành vi khác thì có thể phải thực hiện một số liệu pháp điều trị đặc biệt.
CHÚ Ý: Các thông tin được cung cấp trong tài liệu này chỉ mang tính tham khảo. Tất cả các quyết đinh điều trị đều phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ lâm sàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.http://ghr.nlm.nih.gov/condition/22q112-deletion-syndrome
2.http://primaryimmune.org/about-primary-immunodeficiencies/specific-disease-types/digeorge-syndrome
3.http://www.nhs.uk/conditions/digeorge-syndrome/Pages/Introduction.aspx
4.BS. CKI Phan Thị Ngọc Minh (2013), "Chẩn đoán trước sinh hội chứng DiGeorge", Nội san Y học sinh sản, Phụ sản Huế, số 25.

Nguồn: http://tuvanditruyen.vn/

Tam bộ NST 14 dạng khảm


HỘI CHỨNG BA NST SỐ 14 DẠNG KHÁM: CỰC HIẾM - CỰC NGUY HIỂM


Hội chứng 3 nhiễm sắc thể số 14 dạng khảm là một rối loạn nhiễm sắc thể (NST) hiếm gặp, trong đó bệnh nhân có 3 chiếc NST trong cặp NST số 14. Hội chứng này ở dạng “khảm” có nghĩa là chỉ một số tế bào trong cơ thể chứa thêm một NST số 14, trong khi các tế bào khác có bộ NST bình thường.
CÁC TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP
Các triệu chứng và đặc điểm hình dáng liên quan đến hội chứng 3 NST số 14 dạng khảm phụ thuộc vào số lượng tế bào có thêm một NST 14, thường đặc trưng bởi sự chậm sinh trưởng và phát triển, chậm phát triển tâm thần, các đặc điểm hình dáng riêng biệt hoặc một vài bất thường về hình dáng khác.
•Trước khi sinh: dịch ối nhiều bất thường, sinh non trước 37 tuần (trẻ bình thường thường được sinh trong thời gian từ 37 đến 42 tuần thai). Thai thường sinh trưởng chậm.
•Giai đoạn thơ ấu: chậm lớn, tăng cân chậm hơn bình thường; trẻ chậm đạt được các kỹ năng đòi hỏi sự liên kết giữa tâm thần và thể chất, chậm phát triển tâm thần.
•Một số bất thường đặc trưng về hình dáng: trán cao, mũi rộng, có rãnh dọc bất thường ở trung tâm của môi trên, hàm trên rộng, hàm dưới nhỏ. Mắt cũng thường bị bất thường, khoảng cách hai mắt cách xa nhau, mắt nhỏ, nếp gấp mí mắt hẹp, mí mắt trên hơi rủ xuống hoặc có màng mờ quanh mắt. Trẻ cũng thường có tai nhỏ, thấp, cuộn bất thường; miệng rộng, môi dày; có thể có hàm hở hoặc có khe hở hàm ếch; cổ ngắn và rộng. Trong một số trường hợp, mặt phát triển bất đối xứng (hai nửa không tương đồng với nhau)
•Có thể có các bất thường về cấu trúc tim bẩm sinh, đặc biệt là mắc tứ chứng Fallot. Dạng khuyết tật bẩm sinh này đặc trưng bởi một tập hợp các dị tật tim, gồm: thông liên thất, hẹp van ĐM phổi, ĐM chủ nằm sai vị trí, làm cho máu nghèo oxi chảy từ tâm thất phải vào ĐM chủ, và phì đại tâm thất phải. Các triệu chứng liên quan bao gồm: không đủ oxy cung cấp cho các mô của cơ thể, da và màng nhày tím tái, hơi thở ngắn và gấp, khó cho ăn, chậm lớn và các bất thường khác. Trong một số trường hợp, các dị tật tim bẩm sinh trầm trọng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Một số bất thường về thể chất khác. Ví dụ, một số trẻ mắc hội chứng 3 NST 14 dạng khảm có những vùng da tập trung nhiều sắc tố một cách bất thường, phân bố theo dạng thẳng, xoắn ốc, mảng hoặc lưới. Các đặc điểm liên quan khác bao gồm các rối loạn về đường sinh dục ở nam giới: tinh hoàn bất thường, dương vật nhỏ; cơ thể bất đối xứng, 2 tay và 2 chân không có độ dài tương xứng; cùng với các bất thường về xương khác như: hông ở sai vị trí, các ngón tay và ngón chân đè lên nhau,... 
NGUYÊN NHÂN
Ở người mắc hội chứng ba NST số 14 dạng khảm, một số tế bào có chứa 3 thay vì 2 NST của cặp NST số 14, trong khi các tế bào còn lại có kiểu nhân bình thường.
Hội chứng này xuất hiện là kết quả của sự sai sót về phân ly NST diễn ra trong quá trình phân chia tế bào của hợp tử sau khi thụ tinh (nguyên phân). Hợp tử sẽ nhận NST của cặp NST 14 đều từ bố hoặc từ mẹ, hoặc có một NST bất thường dạng iso (14q isochromosome), tức là NST có hai vai giống hệt nhau ở hai bên tâm động. 
NHÓM NGƯỜI BỊ ẢNH HƯỞNG
Theo những trường hợp quan sát được, hội chứng này ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới. Trong y văn, chỉ mới có gần 20 trường hợp mắc hội chứng này được báo cáo. 
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán hội chứng ba NST số 14 dạng khảm có thể được tiến hành trước sinh bằng các phương pháp đặc biệt như siêu âm, chọc dò dịch ối hoặc sinh thiết mẫu lông nhung màng đệm. Siêu âm có thể phát hiện các đặc điểm ở thai nhi mà chỉ ra nguy cơ mắc hội chứng ba NST số 14 dạng khảm, ví dụ như lượng nước ối nhiều bất thường, sinh trưởng chậm hoặc một vài dị tật về hình dạng và thể chất (VD hở hàm ếch). Mẫu nước ối hoặc mẫu lông nhung màng đệm lấy từ thai nhi có thể được phân tích để phát hiện hội chứng ba NST số 14 dạng khảm.
Có thể tiến hành chẩn đoán sau sinh dựa trên đánh giá lâm sàng toàn diện, phát hiện các đặc điểm về thể chất, và phân tích NST. Các xét nghiệm đặc biệt có thể được thực hiện để phát hiện và xác định các bất thường liên quan đến rối loạn (VD: dị tật tim bẩm sinh). Đánh giá về tim mạch có thể bao gồm khám lâm sàng bằng ống nghe để đánh giá tiếng tim và phổi, chụp X-quang, làm điện tâm đồ, siêu âm tim và các phép thăm khám khác. 
ĐIỀU TRỊ
Điều trị hội chứng 3 NST số 14 dạng khảm là điều trị trực tiếp các triệu chứng biểu hiện rõ rệt ở từng cá thể. Các chỉ định điều trị như vậy đòi hỏi sự hợp tác của các nhóm chuyên gia y học khác nhau, như nhi khoa, phẫu thuật, nhà trị liệu tim mạch và các chuyên gia y tế khác.  
Nếu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc tứ chứng Fallot có các giai đoạn mà da đột nhiên trở nên tím tái, thì cần điều trị bằng cách can thiệp bằng oxy, morphine, sodium bicarbonate và các các liệu pháp cần thiết khác để tăng lượng oxy trong máu. Bên cạnh đó, ở những trẻ mắc bệnh này, có thể cần phải phẫu thuật để làm giảm các triệu chứng và khắc phục các dị tật tim. Vì những bệnh nhân mắc tứ chứng Fallot rất dễ bị nhiễm trùng màng tim, cần kê các thuốc kháng sinh trước và sau khi phẫu thuật, Các nhiễm trùng đường hô hấp cũng cần phải được điều trị sớm và triệt để.
Một số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc hội chứng 3 NST số 14  dạng khảm cần phải được điều trị bằng phẫu thuật để khắc phục các bất thường ở khuôn mặt, cơ quan sinh dục và các bất thường khác liên quan, tùy theo mức độ nghiêm trọng của các dị tật và một số yếu tố khác.
Việc can thiệp sớm là quan trọng để đảm bảo rằng trẻ mắc hội chứng 3 NST số 14 dạng khảm có thể đạt được sự phát triển tốt nhất có thể. Trẻ cũng cần có các phương pháp giáo dục đặc biệt, các liệu pháp vật lý và các dịch vụ y tế xã hội khác. Trẻ mắc bệnh và gia đình nên được tư vấn di truyền đầy đủ. 
CHÚ Ý: Các thông tin được cung cấp trong tài liệu này chỉ mang tính tham khảo. Tất cả các quyết đinh điều trị đều phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ lâm sàng
Tổng hợp bởi BGCC Team
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.The National Organization for Rare Disorders (NORD), Chromosome 14, Trisomy mosaic. Last updated 26/5/2008 00:00:00 GMT+0 ; Cited 26/11/2014 23:00 GMT+7. URL https://www.rarediseases.org/rare-disease-information/rare-diseases/byID/999/viewFullReport
2.Lynch M.F., Fernandes C.J., Shaffer L.G., Potocki L. (2004). Trisomy 14 Mosaicism : A Case Report and Review of the Literature. Perinatal/Neonatal Case Presentation. Journal of Perinatology (24), 121-123.
3.Johnso V.P., Aceto T. (Jr.), Likness C., (1979). Trisomy 14 Mosaicism : Case report and Review. American Journal of Medical Genetics (3), 331-339. 
Salas-Labadía C., Lieberman E., Cruz-Alcívar R., Navarret-Meneses P., Gómez S., Cantú-Reyna C., Buiting K., Durán-McKinster C., Pérez-Vera P., (2014). Partial and complete Trisomy 14 mosaicism: clinical follow-up, cytogenetic and molecular analysis. Molecular Cytogenetic (7), 65. 

Nguồn: http://tuvanditruyen.vn