MẤT ĐOẠN 22Q11.2 - HỘI CHỨNG DIGEORGE
Hội chứng DiGeorge, hay còn gọi là hội chứng mất đoạn NST 22q11.2 (dựa trên nguyên nhân di truyền của bệnh), hoặc hội chứng Shprintzen.
Hội chứng DiGeorge là gì?
Hội chứng DiGeorge là hội chứng do vi mất đoạn trên NST thường gặp nhất với tỉ lệ ước tính là 1/4000 -1/6000 trẻ sinh sống. Hội chứng này được tìm thấy với tỉ lệ 1/68 ở những trẻ dị tật bẩm sinh và khoảng 2,4 % những trường hợp chậm phát triển tâm thần trí tuệ.
Bệnh thường liên quan đến suy giảm miễn dịch tiên phát, trong phần lớn các trường hợp là do sự thiếu hụt hoặc hoạt động một cách khiếm khuyết của tế bào T. Ngoài các vấn đề về miễn dịch, hội chứng này có thể bao gồm cả thiểu sản tuyến cận giáp, tật tim bẩm sinh, khuyết tật mặt, thính giác và trí tuệ.
Đặc điểm lâm sàng
Hội chứng Digeorge có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến nhiều phần và bộ phận khác nhau của cơ thể, các nghiên cứu đã liệt kê được hơn 180 triệu chứng. Một bệnh nhân mang hội chứng Digeorge có thể biểu hiện những đặc điểm lâm sàng này mà không biểu hiện đặc điểm khác.
Nói chung, các nghiên cứu đã thống kê được 5 dấu hiệu thường gặp của hội chứng DiGeorge:
- Dị tật tim bẩm sinh
- Đặc điểm khuôn mặt đặc trưng (tai thấp, mắt rộng, hàm nhỏ, có rãnh hẹp ở môi trên)
- Tật hở vòm miệng/họng (hở hàm ếch)
- Nồng độ canxi huyết thấp (gây động kinh) do thiểu sản tuyến cận giáp
- Thường nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch, hoặc mắc bệnh tự miễn (bệnh Basedow, viêm khớp mãn tính…)
Bệnh nhân cũng có thể có gặp các vấn đề về hô hấp, bất thường về thận, giảm tiểu cầu, vấn đề về dạ dày – ruột, mất thính lực. Ngoài ra, người bệnh có thể bị thấp lùn và hiếm gặp hơn là dị tật xương sống. Nhiều trẻ mắc hội chứng này bị chậm phát triển, đặc biệt là chậm sinh trưởng, chậm nói, khuyết tật học tập. Những người này cũng bị nguy cơ cao mắc các bệnh tâm thần về sau này như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo lắng và rối loạn lưỡng cực, hoặc mắc hội chứng tăng động – giảm chú ý (ADHD) và các vấn đề về rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ có thể ảnh hưởng đến giao tiếp và tương tác xã hội.
Nguyên nhân
Khoảng 90% bệnh nhân mắc hội chứng DiGeorge mang đột biến mất đoạn nhỏ ở cánh dài của nhiễm sắc thể 22 (22q11.2). Sự mất đi khoảng 30 gen tại vùng này được cho là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và phát triển bất thường của một số mô trong quá trình phát triển phôi, từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 10 trong thai kỳ, khi mà tuyến cận giáp, tuyến ức, môi, tai và cung động mạch chủ đang được hình thành.
Hội chứng DiGeorge có di truyền không?
Hội chứng này di truyền theo cơ chế di truyền trội trên nhiễm sắc thẻ thường, vì chỉ cần mất đoạn xảy ra ở một trong hai chiếc NST của cặp NST 22 ở mỗi tế bào là đủ để gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mắc hội chứng này là do phát sinh ngẫu nhiên trong quá trình hình thành tế bào sinh sản (trứng hoặc tinh trùng), hoặc trong quá trình phát sinh phôi sớm. Người mắc hội chứng này thường có gia đình bình thường, không có ai mắc bệnh nhưng chính họ lại có thể di truyền hội chứng này cho con cái. Trong 10% số trường hợp mắc hội chứng là do thừa hưởng một NST số 22 bị mất đoạn từ bố hoặc mẹ.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán hội chứng DiGeorge được dựa trên các vấn đề về sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, hình ảnh siêu âm đối với trường hợp trước sinh; cùng với đó là xét nghiệm di truyền để phát hiện mất đoạn trên NST 22 (MLPA, FISH, microarray hoặc giải trình tự thế hệ mới). Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm trong trường hợp bệnh nhân gặp các vấn đề sức khỏe hoặc bệnh tương tự như trong hội chứng DiGeorge, đặc biệt là dị tật tim.
Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, việc xét nghiệm, chẩn đoán sớm trẻ mang đột biến là yếu tố cực kì quan trọng; giúp cha mẹ chuẩn bị kiến thức, tâm lý; khắc phục kịp thời các khuyết tật, giảm thiểu nguy hiểm và tăng cường chất lượng sống sau này của trẻ:
- Chẩn đoán xâm lấn: Sinh thiết gai nhau (tuần 10-12), chọc dò dịch ối (tuần 15-20) hoặc lấy máu dây rốn thai nhi (sau tuần 20) là các phương pháp thu mẫu để tiến hành các xét nghiệm di truyền trong giai đoạn mang thai.
- Xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT): một số xét nghiệm trước sinh không xâm lấn có thể giúp phát hiện đột biến mất đoạn 22q11.2 ở DNA thai nhi tự do lưu thông trong máu mẹ với độ chính xác cao dựa trên giải trình tự thế hệ mới và các thuật toán phân tích so sánh. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ được coi là xét nghiệm sàng lọc.
Xét nghiệm di truyền hội chứng DiGeorge cũng được sử dụng trong chẩn đoán di truyền trước làm tổ. Đây là kỹ thuật được thực hiện nhằm mục đích tầm soát đột biến của phôi trước khi chuyển vào buồng tử cung của bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm.
Điều trị
Mặc dù không thể chữa khỏi được hội chứng DiGeorge, các bác sĩ có thể điều trị các triệu chứng mắc phải:
- Thiểu sản tuyến cận giáp: có thể được can thiệp bằng cách bổ sung thêm Canxi và Vitamin D.
- Trẻ gặp vấn đề về chức năng của tuyến ức thể nhẹ hoặc trung bình có thể sẽ hay bị nhiễm trùng, ví dụ như bị cảm hoặc nhiễm trùng tai. Các trẻ mắc bệnh này được điều trị tương tự như ở các trẻ khác và tiêm chủng theo trình tự thông thường. Chức năng của hệ miễn dịch có thể được cải thiện dần khi trẻ lớn lên.
- Nếu các sai hỏng ở tuyến ức xảy ra ở mức độ nặng hoặc không có tuyến ức, trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải một số dạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Khi đó, cần phải điều trị bằng cách cấy ghép mô tuyến ức, đặc biệt là tế bào tủy xương hoặc các tế bào máu chuyên hóa để chống lại bệnh tật.
- Chẻ vòm hầu/ họng: Các đặc điểm bất thường này có thể được khắc phục nhờ phẫu thuật.
- Dị tật tim: Hầu hết các dị tật tim liên quan đến hội chứng DiGeorge đòi hỏi phải được phẫu thuật để chỉnh lại cấu trúc tim và tăng lượng máu giàu oxi cho cơ thể.
Các vấn đề về phát triển của cơ thể: có thể được can thiệp bằng một số liệu pháp về ngôn ngữ, nghề nghiệp và phát triển. Trong trường hợp mà trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm, tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn về sức khỏe tâm thần và hành vi khác thì có thể phải thực hiện một số liệu pháp điều trị đặc biệt.
CHÚ Ý: Các thông tin được cung cấp trong tài liệu này chỉ mang tính tham khảo. Tất cả các quyết đinh điều trị đều phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ lâm sàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.http://ghr.nlm.nih.gov/condition/22q112-deletion-syndrome
2.http://primaryimmune.org/about-primary-immunodeficiencies/specific-disease-types/digeorge-syndrome
3.http://www.nhs.uk/conditions/digeorge-syndrome/Pages/Introduction.aspx
4.BS. CKI Phan Thị Ngọc Minh (2013), "Chẩn đoán trước sinh hội chứng DiGeorge", Nội san Y học sinh sản, Phụ sản Huế, số 25.
Nguồn: http://tuvanditruyen.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét