Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Xét nghiệm trước sinh

TỔNG QUAN VỀ CÁC XÉT NGHIỆM TRƯỚC KHI SINH


Bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quát về các xét nghiệm trước sinh, giải đáp các thắc mắc bao gồm: Tại sao bạn nên thực hiện xét nghiệm trước sinh và ai là người nên thực hiện các xét nghiệm trước sinh, thông tin sơ lược về các loại xét nghiệm…
Mỗi bậc cha mẹ đều hy vọng con em mình phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, bởi vậy tâm lý lo lắng chung của các bậc làm cha làm mẹ đều là: liệu em bé có mắc phải một bệnh hoặc một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào không? sẽ phải làm những gì và có thể làm những gì để ngăn chặn điều này?
Những lo ngại trên là hoàn toàn tự nhiên và có cơ sở. Theo báo cáo mới đây của BV Phụ sản T.W cho thấy, tính riêng tại Việt Nam, tỷ lệ thai nhi dị dạng lên tới 2,7% trên tổng số ca sinh hàng năm. Đứng đầu là các dị tật ở hệ thần kinh, đầu, mặt, cổ, tiếp theo là dị tật vùng bụng và dị tật hệ xương - chi.
May mắn rằng nền y học hiện đại cho phép các bà mẹ liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của em bé trong suốt quá trình mang thai thông qua một loạt các xét nghiệm sàng lọc. Các xét nghiệm này hỗ trợ phát hiện các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, giúp can thiệp sớm, chuẩn bị về kiến thức, tâm lí cũng như các điều kiện cần thiết nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Là những bậc cha mẹ tương lai, bạn nên trang bị cho bản thân những kiến thức về vấn đề này nhằm chuẩn bị một tương lai tốt đẹp nhất cho con em mình
Tại sao nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra trước sinh?
Xét nghiệm trước sinh có thể xác định được những vấn đề khác nhau:
  • Các vấn đề sức khỏe của người mẹ có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi (như nhóm máu, hàm lượng đường trong máu, khả năng miễn dịch với một số bệnh nhất định, mắc bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn, ung thư...).
  • Đặc điểm của bé: kích thước, giới tính, số tháng tuổi và vị trí trong tử cung. 
  • Nguy cơ mắc phải một số vấn đề về di truyền, dị tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể… của bé.
  • Các bất thường thai nhi (ví dụ các bệnh về tim mạch).
Về cơ bản có 2 loại xét nghiệm trước sinh: Xét nghiệm sàng lọc (screening test) và xét nghiệm chẩn đoán(diagnostic test). Nếu xét nghiệm sàng lọc cho thấy khả năng/nguy cơ/tỉ lệ phần trăm mắc một bệnh thì xét nghiệm chẩn đoán có thể kết luận chính xác với độ tin cậy cao trong trường hợp thai nhi mắc bệnh đó. Thông thường để thu được kết quả chính xác, các xét nghiệm chuẩn đoán nên được tiến hành khi các xét nghiệm sàng lọc chỉ ra rằng đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. 
Các loại dị tật bẩm sinh có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm trước sinh bao gồm:
  • Rối loạn gen trội trên NST thường:
Khi người bố hoặc mẹ mang một gen trội bị đột biến, thai nhi có 50% khả năng được di truyền gen này và biểu hiện thành bệnh. Một số bệnh di truyền trội trên NST thường có thể kể tới như sau:
Chứng loạn sản sụn: là một bất thường hiếm gặp của xương gây ra rối loạn phát triển xương dẫn đến còi cọc. Bệnh này có thể được di truyền từ bố hoặc mẹ, cho dù trên thực tế đa số trường hợp bệnh nhân không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Bệnh Huntington: Là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến hệ thần kinh, trong đó các tế bào thần kinh ở một phần của não bộ bị đào thải hoặc thoái hóa, gây ra rối loạn tâm thần, nhận thức, hành vi và khả năng hoạt động thể chất .

Các rối loạn có thể gặp ở thai nhi và những ai cần thực hiện xét nghiệm tầm soát trước sinh

  • Rối loạn gen lặn trên NST thường:
Do số lượng gen trong bộ gen người là rất lớn nên mỗi người đều có khả năng mang một số gen bất thường. Nhưng hầu hết chúng ta đều không mang các khiếm khuyết do các gen trội bình thường lấn át các gen lặn bất thường. Tuy nhiên, nếu thai nhi đồng thời được thừa hưởng cặp gen lặn bất thường từ cả bố và mẹ thì rối loạn này sẽ được biểu hiện thành bệnh. Một số bệnh di truyền lặn trên NST thường phổ biến có thể kể tới như sau:
  • Xơ hóa nang: bệnh phổ biến nhất ở người có nguồn gốc Bắc Âu, bệnh này đe dọa tính mạng và gây tổn thương nghiêm trọng phổi và gây suy dinh dưỡng.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm: phổ biến nhất trong cộng đồng người gốc Phi, là bệnh trong đó các tế bào hồng cầu có dạng lưỡi liềm (không phải hình đĩa, tròn dẹt) gây mất chức năng vận chuyển oxy cho các mô và cơ quan.
  • Bệnh Tay-Sachs: phổ biến nhất trong  cộng đồng dân cư đông Âu (Ashkenazi) gốc Do Thái, gây ra chậm phát triển tâm thần, mù, co giật và tử vong.
  • Bệnh Beta-thalassemia: phổ biến ở cộng đồng dân cư gốc Địa Trung Hải, rối loạn này có thể gây ra bệnh thiếu máu.
  • Rối loạn gen  trên  NST giới tính X
Những rối loạn này thuộc các gen nằm trên nhiễm sắc thể X (Nhiễm sắc X và nhiễm sắc thể Y là 2 nhiễm sắc thể xác định giới tính ở người).  Rối loạn thường gặp hơn ở các bé trai vì bộ NST ở nam giới chỉ chứa một nhiễm sắc thể X. Nếu gen bệnh có mặt trên nhiễm sắc thể X, các bệnh liên kết với nhiễm sắc thể này cũng sẽ được biểu hiện. Một trong các rối loạn liên kết với nhiễm sắc thể X là bệnh máu khó đông, bệnh này gây rối loạn cơ chế đông máu dẫn đến máu chảy không ngừng.
  • Rối loạn nhiễm sắc thể
Rối loạn nhiễm sắc thể xảy ra khi có sự bất thường về số lượng hay cấu trúc nhiễm sắc thể. Một số rối loạn nhiễm sắc thể được di truyền nhưng đa số trường hợp do sai sót ngẫu nhiên trong quá trình hình thành trứng và tinh trùng. Nguy cơ  trẻ sơ sinh mắc rối loạn tăng lên theo độ tuổi của người mẹ. Theo ACOG, nếu người mẹ mang thai trong độ tuổi 20 – 24 thì có 1/1477 trẻ được sinh ra mắc hội chứng Down, gây chậm phát triển tâm thần và khuyết tật về thể chất. Tỷ lệ mắc bệnh này tăng lên 1/353 nếu người mẹ mang thai sau 35 tuổi và 1/85 sau 45 tuổi. Như vậy, có thể thấy rằng việc sinh con sau tuổi 35 sẽ có nguy cơ mắc bệnh, tật cao hơn.
  • Rối lọan đa nhân tố
Nhóm này bao gồm các rối loạn gây ra bởi sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường. Rối loạn đa nhân tố bao gồm các khuyết tật ống thần kinh, xảy ra khi các ống bao quanh tủy sống không hình thành đúng cách trong quá trình phát triển bào thai. Các khuyết tật ống thần kinh thường có thể được ngăn ngừa bằng việc bổ sung axit folic (có trong vitamin dành cho phụ nữ mang thai) xung quanh thời điểm thụ thai và giai đoạn thai kỳ. Một số khuyết tật do rối loạn đa nhân tố phổ biến hiện nay là:
  • Nứt đốt sống: Còn được gọi là “cột sống mở”, khiếm khuyết này xảy ra khi phần dưới của ống thần kinh không cuộn lại hoàn chỉnh trong quá trình phát triển phôi thai. Tủy sống và dây thần kinh có thể được phủ chỉ bởi da hoặc bị hở ra ngoài môi trường, khiến chúng không được bảo vệ.
  • Thiếu não: Khiếm khuyết này xảy ra khi não và đầu không phát triển hoàn chỉnh, các phần của não thiếu hoặc bị biến đổi hoàn toàn.
Các rối loạn đa yếu tố khác bao gồm:
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Béo phì
  • Bệnh tiểu đường
  • Ung thư
Những ai cần thực hiện các xét nghiệm trước sinh?
Một số xét nghiệm trước sinh là thường quy đối với hầu hết phụ nữ mang thai, số  khác được khuyến cáo chỉ dành cho một số phụ nữ nhất định, bao gồm:
  • Phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên
  • Mang thai trong độ tuổi vị thành niên
  • Đã từng sinh non, sẩy thai, nạo phá thai nhiều lần
  • Đã có một con bị dị tật bẩm sinh – đặc biệt là dị tật về tim và các vấn đề về di truyền.
  • Mang thai đôi trở lên
  • Mắc một trong các bệnh: cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lupus, bệnh tim, thận, ung thư, bệnh lây truyền qua đường tình dục, hen suyễn, động kinh.
  • Thuộc nhóm dân tộc trong đó các rối loạn di truyền là phổ biến
  • Có lịch sử gia đình vợ hoặc chồng chậm phát triển trí tuệ
Để quyết định thực hiện xét nghiệm phù hợp với mình, bạn nên thảo luận kỹ với bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn. Các xét nghiệm được lựa chọn dựa trên tiêu chí:
  • Xét nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá yếu tố gì ?
  • Độ tin cậy của chúng?
  • Cân nhắc giữa lợi ích, rủi ro và các nguy cơ tiềm ẩn
  • Các biện pháp xử lí nếu xét nghiệm cho kết quả em bé mắc phải các rối loạn hoặc khuyết bẩm sinh.


Biểu đồ thời gian của các xét nghiệm thường quy mà thai phụ nên tiến hành trong quá trình mang thai.
Tất cả phụ nữ mang thai không kể tuổi tác hoặc lịch sử gia đình có thể chọn một trong các xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ bao gồm:
  • Siêu âm.
  • Siêu âm đo độ mờ da gáy: sàng lọc hội chứng Down
  • Xét nghiệm máu người mẹ: sàng lọc glucose, double/triplet/quaq test, kiểm tra yếu tố Rh, phát hiện thiếu máu…
  • Xét nghiệm nước tiểu: đo nồng độ protein, dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm…
Các xét nghiệm chẩn đoán là những biện pháp thăm dò đặc hiệu được tiến hành trong trường hợp xét nghiệm sàng lọc cho kết quả nghi ngờ mắc bệnh, bao gồm:
  • Siêu âm
  • Xét nghiệm cổ tử cung: bệnh lây truyền qua đường tình dục, ung thư cổ tử cung, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B…
  • Lấy mẫu lông nhung màng đệm: phát hiện bất thường NST thai nhi
  • Chọc ối: hội chứng Down, khiếm khuyết NST, khiếm khuyết cấu trúc, rối loạn chuyển hóa di truyền…
  • Lấy mẫu máu dây rốn: khiếm khuyết NST, thiếu máu, rối loạn tiểu cầu…
Cho dù lựa chọn xét nghiệm nào thì các cặp vợ chồng cũng được khuyến khích nên tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn di truyền để đưa ra quyết định phù hợp. Việc tư vấn sẽ giải quyết được những khúc mắc bao gồm:
  • Nên lựa chọn những xét nghiệm nào?
  • Khi nào nên thực hiện xét nghiệm?   
  • Ưu và nhược điểm của từng loại?
  • Có gây rủi ro nào cho em bé không?
  • Nên thực hiện những xét nghiệm nào tiếp theo khi nhận được kết quả xét nghiệm không mong muốn?
Nếu kết quả sàng lọc và chẩn đoán cho thấy em bé có nguy cơ cao với một hoặc một vài rối loạn di truyền hoặc mắc một bệnh/tật nào đó, chuyên viên tư vấn di truyền sẽ giúp các cặp vợ chồng:
  • Phân tích kết quả xét nghiệm.
  • Có nên thực hiện các xét nghiệm khác hay không? Nếu có, nên lựa chọn xét nghiệm nào? Ưu, nhược điểm của mỗi loại?
  • Thảo luận về các phương án nhằm giảm thiểu tác tại của bệnh hoặc đưa ra những lựa chọn hợp lí.


Biểu đồ thời gian của các xét nghiệm thường quy mà thai phụ nên tiến hành trong quá trình mang thai.
Các xét nghiệm thường quy mà bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng nên thực hiện trong thai kỳ:
  • Trong lần thăm khám đầu tiên:
Trong lần thăm khám đầu tiên của thai kỳ, bạn nên được kiểm tra tổng quát cơ thể, bao gồm cả khám phụ khoa và trực tràng để kiểm tra những bất thường có thể xảy ra. Bạn có thể phải xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra protein, nồng độ đường hoặc những dấu hiệu nhiễm trùng.
Xét nghiệm máu:
  • Nhóm máu và yếu tố Rh: Nếu máu của người mẹ là Rh (-) và người cha là Rh (+) thì các kháng thể của cơ thể mẹ có thể gây phản ứng phản vệ nguy hiểm cho thai nhi.
  • Thiếu máu (số lượng tế bào hồng cầu thấp).
  • Viêm gan B, giang mai và HIV.
  • Miễn dịch đối với bệnh sởi Đức (rubella) và bệnh thủy đậu (varicella) hay không?
  • Xơ nang.
Xét nghiệm cổ tử cung có thể phát hiện:
  • Các bệnh lây truyền qua đường TD như chlamydia và bệnh lậu
  • Các thay đổi có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung
Siêu âm 
Có hai thời điểm siêu âm quan trọng mà phụ nữ mang thai không nên bỏ qua, lần thứ nhất trong ba tháng đầu tiên và lần thứ hai vào khoảng tuần thứ 18 đến 20 trong thai kỳ.
Trong tam cá nguyệt đầu tiên siêu âm nhằm mục đích xác nhận tình trạng mang thai, tuổi thai là bao nhiêu, số lượng thai, có chửa ngoài dạ con hay không và kiểm tra sự phát triển của thai nhi.
Ở tuần 18 – 22 của thai kỳ, siêu âm siêu nhằm kiểm tra tình trạng của thai nhi trong tử cung bao gồm:
  • thai nhi có phát triển bình thường hay không
  • Ngày sinh nở dự kiến
  • Ghi lại nhịp tim và nhịp thở của thai nhi
  • Các bất thường có thể ảnh hưởng trong thời gian mang thai và sinh nở.
  • Lượng nước ối có đủ cho sự phát triển của bé trong tử cung người mẹ hay không
  • Vị trí nhau thai ở cuối thai kỳ (có cản trở quá trình sinh nở hay không)
  • Các khuyết tật cấu trúc như: nứt đốt sống, thiếu não, dị tật tim bẩm sinh , dị tật đường tiêu hóa và thận, sứt môi, hở hàm ếch.
Phụ nữ mang thai được chuẩn đoán thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao thông qua các xét nghiệm khác cần siêu âm lặp lại nhiều lần với thiết bị tinh vi hơn như siêu âm 3 chiều (3D) nhằm theo dõi tình trạng của bé một cách chính xác nhất.
Phần lớn phụ nữ tiến hành siêu âm ít nhất một lần khi mang thai. Một số thai phụ được siêu âm nhiều lần trong khi số khác không thực hiện siêu âm lần nào. Cho đến nay siêu âm được cho là an toàn cho cả người mẹ và em bé. Hãy tham khảo ý kiến các bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn của bạn để nhận được lời khuyên chính xác về vấn đề này.

Các xét nghiệm thường quy mà thai phụ nên tiến hành trong quá trình mang thai.
  • Xét nghiệm kết hợp trong tam cá nguyệt đầu tiên (tuần 11 – 13)
Kiểm tra độ mờ da gáy:
Độ mờ da gáy là 1 đặc điểm hình thể trên siêu âm do sự tích tụ dịch dưới lớp da phía sau cổ thai nhi trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Đây là 1 tổ chức có tính chất sinh lý, được quan sát thấy ở tất cả thai nhi trong quý đầu của thai nghén. Độ mờ da gáy có thể đo từ tuần 11-14 thai kỳ nhưng đo chính xác nhất vào tuần 12-13. Trước tuần thứ 11, kỹ thuật đo là khó khăn vì bào thai còn quá nhỏ; sau tuần thứ 14, da gáy sẽ trở về bình thường nên việc đo độ mờ da gáy không còn ý nghĩa.
Độ mờ da gáy tăng lên 1 cách đáng kể trong một số trường hợp thai nhi mang một số bất thường nhiễm sắc thể dạng trisomy như: hội chứng Down, Edward, Patau.
Khoảng sáng sau gáy càng lớn thì nguy cơ dị dạng nhiễm sắc thể càng lớn.
Ngưỡng cho phép của độ mờ da gáy:
  • Nhỏ hơn 2.5 mm: Bình thường.
  • Từ 2,5 - 3 mm : Cần theo dõi. 
  • Từ 3 mm trở lên :  tỷ lệ 30% mắc hội chứng Down.
Khi độ mờ da gáy dày trên 3mm thì cần tiến hành thêm các xét nghiệm sàng lọc hoặc chẩn đoán khác nhằm đưa ra kết luận chính xác và có phương hướng giải quyết phù hợp:
  • Xét nghiệm sàng lọc Double Test (tuần thứ 11 đến 13) và Triple test (vào tuần 15 đến 20).
  • Xét nghiệm mẫu lông nhung màng đệm (tuần 10 đến 12) hoặc chọc ối vào tuần 17-19 để làm nhiễm sắc thể đồ thai nhi.
Khi độ mờ da gáy dày trên 5 mm thì 53% thai nhi  có các dị dạng khác kèm theo như: tim, tiêu hóa và đa dị dạng... Độ mờ da gáy càng dày thì nguy cơ thai nhi ngừng phát triển càng lớn.
  • Double Test:
Double Test được tiến hành kết hợp với đo độ mờ da gáy và các yếu tố như cân nặng, chiều cao của mẹ, độ tuổi thai nhi và chiều dài đầu mông nhằm đánh giá nguy cơ các hội chứng Down, Edward, Patau.
Trong tuần thứ 9 đến 13 của thai kỳ, máu người mẹ được thu và phân tích nồng độ các chất β-hCG tự do (free beta-human chorionic gonadotropin) và PAPP-A (pregnancy associated plasma protein A). Các chất sinh hóa này được sản xuất bởi bào thai và xuất hiện một cách tự nhiên trong máu người mẹ. Nếu thai có sự lệch bội lẻ nhiễm sắc thể, nồng độ các chất này sẽ lệch khỏi gía trị cân bằng và việc định lượng chúng trong máu mẹ cùng với siêu âm có thể giúp đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Doule Test có thể được chỉ định cho tất cả thai phụ trong quý đầu của thai kỳ, đặc biệt các trường hợp sau đây càng nên tiến hành Double Test nhằm đánh giá chính xác nguy cơ rối loạn NST:
  • Có tiền sử gia đình bị dị tất bẩm sinh.
  • Thai phụ trên 35 tuổi.
  • Đang sử dụng thuốc hoặc hóa chất có thể gây hại cho thai nhi.
  • Bị tiểu đường và có sử dụng insulin
  • Bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai
  • Siêu âm cho kết quả độ mờ da gáy thai nhi đạt giá trị ngưỡng gần 3 mm


  • Triple Test:

Tương tự như Double Test, Triple test được thực hiện bằng cách đo lượng AFP (alpha fetoprotein), β-hCG (beta-human chorionic gonadotropin) và estriol không liên hợp uE3 (unconjugated estriol) còn gọi là estriol tự do (free estriol) trong máu thai phụ, sau đó được tính toán cùng với cân nặng, chiều cao của mẹ, tuổi thai… nhằm sàng lọc các hội chứng Down, Edward hoặc dị tật ống thần kinh của thai ở quý 2 của thai kỳ. Khoảng 5% thai phụ có các mức độ bất thường của  AFP, β-hCG và uE3 trong máu, nguyên nhân chủ yếu do tính toán sai tuổi thai, thai đôi hoặc các dị tật bẩm sinh.
Triple Test được chỉ định cho tất cả các thai phụ đang ở giai đoạn tuần thứ 14 – 20 của thai kỳ, cho dù kết quả chính xác nhất thu được ở tuần 16 đến 18. Đặc biệt những thai phụ đã kiểm tra Double Test ở quý 1 của thai kỳ với kết quả thai nhi có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh rất cần thực hiện Triple Test nhằm đánh giá nguy cơ một cách chuẩn xác hơn.
  • Sàng lọc Glucose:

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng không dung nạp carbohydrat bắt đầu xuất hiện hoặc lần đầu xuất hiện khi mang thai. Tỉ lệ mắc bệnh này là khoảng 4-10% tổng số thai phụ, phụ thuộc vào thói quen ăn uống và sự khác nhau về chủng tộc.
Tiểu đường thai kỳ có thể gây những biến chứng cho cả mẹ và trẻ sơ sinh ngay cả khi trẻ lớn lên. Đối với mẹ, tiểu đường thai kỳ có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, tiểu đường type 2 sau khi sinh và một số hội chứng chuyển hóa. Đối với thai nhi, tiểu đường thai kỳ có thể gây chứng khổng lồ, thai chết lưu, đẻ non; khi đẻ ra trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp, hạ glucose máu, vàng da;  khi lớn lên trẻ có thể bị béo phì, tiểu đường type 2 hoặc mắc một số hội chứng chuyển hóa. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm đái tháo đường thai nghén ở thai phụ để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng cho cả mẹ và con là việc làm rất quan trọng và cần thiết.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (oral glucose tolerance test: OGTT) có khả năng đánh giá sự sử dụng glucose của cơ thể. Nghiệm pháp này được sử dụng để chẩn đoán tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường, đặc biệt là để phát hiện đái tháo đường thai nghén.
Sàng lọc glucose có thể được chỉ định cho tất các phụ nữ mang thai vào tuần thứ 24 – 28 thai kỳ, đặc biệt một số trường hợp thuộc nhóm có nguy cơ cao bao gồm:
  • Phụ nữ đã có một em bé nặng hơn 4,1kg khi sơ sinh.
  • Có lịch sử gia đình bị bệnh tiểu đường.
  • Bị béo phì.
  • Trên 25 tuổi.
  • Có đường trong nước tiểu khi kiểm tra định kỳ.
  • Bị huyết áp cao.
  • Mắc đa nang buồng trứng.
  • Xét nghiệm không áp lực (nonstress test)
Xét nghiệm này được thực hiện nhằm kiểm tra đáp ứng của thai nhi trước các kích thích, được sử dụng chủ yếu cho các thai phụ thuộc nhóm có nguy cơ cao hoặc trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ về các bất thường trong đáp ứng của thai nhi. Một xét nghiệm Nonstress có thể được thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ mang thai sau tuần thứ 26 đến 28, khi nhịp tim thai có thể đáp ứng trước kích thích bằng cách điều chỉnh tốc độ đập.
Xét nghiệm cũng có thể được thực hiện trong trường hợp thai phụ đã quá thời gian dạ dự tính. Các bác sĩ sẽ xác định được em bé có nhận được đầy đủ oxy và đáp ứng bình thường với các kích thich hay không.
  • Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)
GSB được tìm thấy tự nhiên trong âm đạo của nhiều phụ nữ và có thể gây nhiễm trùng máu và viêm màng não nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Xét nghiệm  thường được tiến hành giữa tuần thứ 35 và 37 của thai kỳ. Nếu kết quả dương tính người mẹ cần được điều trị bằng kháng sinh ngay khi chuyển dạ hoặc vỡ ối nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho các em bé.

Theo: http://tuvanditruyen.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét